Các cảng biển lớn ở Việt Nam đang là các cầu nối thương mại góp phần đưa chúng ta hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển chung và ngành xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics nói riêng.
Cảng biển là gì ?
Nội Dung Bài Viết
Cảng được định nghĩa là nơi nằm ở biển hoặc sông hồ, có cầu, bến, những trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu bốc dỡ hàng hóa nếu là cảng hàng hóa hoặc phục vụ đón trả khách nếu là cảng dành cho du lịch, đi lại bằng đường thủy.
Do vị trí địa lý của Việt Nam chúng ta có bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam và hệ thống sông suối, kênh, rạch chằng chịt nên cảng được chia ra là cảng biển và cảng sông.
Khái niệm cảng biển
Theo khoản 12, điều 3, chương 1 của nghị định 104/2012/NĐ-CP quy định rất rõ về khái niệm cảng biển ở Việt Nam.
Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
Vùng đất cảng là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, các công trình phụ trợ khác và lắp đặt trang thiết bị.
Vùng nước cảng là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch; vùng để xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng.
Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Bến cảng bao gồm cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng vào bến cảng và các công trình phụ trợ khác, cầu cảng là kết cấu cố định thuộc bến cảng, được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển bao gồm Biên phòng cửa khẩu cảng; Hải quan cửa khẩu cảng; Cảng vụ hàng hải; Kiểm dịch y tế quốc tế; Kiểm dịch động vật, thực vật cửa khẩu cảng.
Cảng biển tiếng Anh là gì?
Cảng biển tiếng Anh là Seaport hoặc deep-water harbor có nghĩa là bến cảng nước sâu.
Đa phần trong ngôn ngữ logistics đề cập cảng biển quốc tế là các cảng biển có độ sâu và rộng đủ đáp ứng các loại tàu chở hàng lớn.
Phân loại các cảng biển lớn nhỏ ở Việt Nam
Các cảng biển thường là các khu vực có nước sâu để có thể tiếp nhận được các chờ hàng lớn lên đến hàng trăm nghìn tấn.
Theo khả năng tiếp nhận, phục vụ loại tàu thì có thể chia ra 2 loại là cảng biển nội địa và cảng biển quốc tế.
Các cảng biển lớn ở Việt Nam đa phần là các cảng có thể tiếp nhận được các tàu chở container hàng hóa quốc tế.
Theo đó thì các dịch vụ vận tải như vận chuyển container đường bộ hoặc đường thủy, dịch vụ xếp dỡ hàng rời, nâng hạ container, dịch vụ bến bãi lưu giữ bảo quản hàng hóa, dịch vụ logistics, thủ tục hải quan….
Theo quyết định 70/2013/QĐ-TTg phân ra 3 loại cảng biển:
a) Cảng biển loại I là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Đối với cảng biển loại I có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước được ký hiệu là cảng biển loại IA.
Cảng loại I có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn.
Cảng loại IA là cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn.
b) Cảng biển loại II là cảng biển quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương.
c) Cảng biển loại III là cảng biển chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho hoạt động của doanh nghiệp.
Hệ thống cảng biển Việt Nam
Số lượng cảng biển Việt Nam hiện nay tính đến ngày 02/04/2021 có 286 bến cảng được chia thành 6 nhóm trải dài xuyên suốt từ Bắc tới Nam, là cầu nối xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước ta.
Các nhóm cảng biển Việt Nam
Có câu hỏi: hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển theo vùng lãnh thổ được chia làm mấy nhóm ?
Hệ thống cảng biển Việt Nam với 28 trên 64 tỉnh thành có đường bờ biển, chia thành 6 nhóm bao gồm:
NHÓM | TÊN NHÓM | CÁC TỈNH | LƯỢNG HÀNG QUA CẢNG năm 2020 (triệu tấn/năm) |
1 | Cảng biển phía Bắc | Quảng Ninh đến Ninh Bình | 153 -164 |
2 | Cảng biển Bắc Trung Bộ | Thanh Hóa đến Hà Tĩnh | 101 – 106 |
3 | Cảng biển Trung Trung Bộ | Quảng Bình đến Quảng Ngãi | 56.5 – 70 |
4 | Cảng biển Nam Trung Bộ | Bình Định đến Bình Thuận | 61 – 62.5 |
5 | Cảng biển Đông Nam Bộ | Các tỉnh Đông Nam Bộ, bao gồm cả Côn Đảo và sông Soài Rạp (Long An). | 238 -248 |
6 | Cảng biển Đồng Bằng Sông Cửu Long | Các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam. | 25 – 28 |
6 nhóm cảng biển trên lại được chia thành 3 miền Bắc Trung Nam gồm:
- Miền Bắc: các cảng biển thuộc nhóm 1.
- Miền Trung: các cảng biển thuộc nhóm 2, 3, 4.
- Miền Nam: hệ thống các cảng biển thuộc nhóm 5, 6.
Thực trạng cảng biển Việt Nam hiện nay
Theo thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam Nguyễn Nhật: “Sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt”.
Hệ thống các cảng biển lớn ở Việt Nam có vai trò đầu tàu, là đầu mối xuất – nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn bộ các vùng đã hình thành rõ nét, góp phần tăng trưởng kinh tế cả nước.
Hệ thống cảng biển Việt Nam không ngừng nâng cao về năng lực và chất lượng dịch vụ, làm tăng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng ngày càng lớn.
Hệ thống cảng biển Việt Nam có 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, đã khai thác được 2 tuyến đi Bắc Mỹ ở phía Bắc; 16 tuyến đi Bắc Mỹ, Châu Âu ở phía Nam.
Top các cảng biển lớn ở Việt Nam hiện nay
Dưới đây là danh sách top 10 cảng biển lớn nhất Việt Nam, dựa theo tiêu chí là năng lực đáp ứng, chiều dài cầu bến, khả năng tiếp nhận tàu có khối lượng lớn.
STT | Tên Cảng | Phân Loại | Thuộc địa phận tỉnh | Đặc điểm nổi bậc |
1 | Cảng biển Sài Gòn | Loại I | TP Hồ Chí Minh | 21 cầu cảng tổng chiều dài 2.969 mét. Khả năng tiếp nhận tàu 58.000 DWT. |
2 | Cảng biển Hải Phòng | Loại IA | Hải Phòng | 14 cầu cảng tổng chiều dài 2.233 mét. Khả năng tiếp nhận tàu 55.000 DWT |
3 | Cảng Nam Vân Phong | Loại IA | Khánh Hòa | Cầu bến dài 234m, rộng 35m. Mớn nước 15m. Khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT. |
4 | Cảng Đà Nẵng | Loại I | Đà Nẵng | Sở hữu gần 1.700 mét cầu bến. Tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT. |
5 | Cảng Vũng Tàu | Loại IA | Bà Rịa – Vũng Tàu | Có 4 khu bến: Cái mép-Sao Mai-Bến đình; Phú Mỹ – Mỹ Xuân; Sông Dinh; Bến đầm – Côn Đảo. Khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT |
6 | Cảng Quy Nhơn | Loại I | Bình Định | Có 7 cầu bến với tổng chiều dài 1.068m, sâu nhất 12.5m. Tiếp nhận tàu lên đến 50.000 DWT giảm tải. |
7 | Cảng biển Cái Lân | Loại I | Quảng Ninh | Với chiều dài cầu bến 926 mét, nơi sâu nhất 11.7m. Tiếp nhận tàu tối đa 85.000 DWT với mớn nước phù hợp. |
8 | Cảng biển Cửa Lò | Loại I | Nghệ An | Chiều dài bến cảng 3.020m. Có khả năng tiếp nhận 30.000 – 50.000 DWT. |
9 | Cảng biển Dung Quất | Loại I | Quảng Ngãi | Chiều dài cầu cảng 145 mét. Tiếp nhận tàu tối đa 70.000 DWT. |
10 | Cảng biển Chân Mây | Loại I | Thừa Thiên Huế | Bến số 1 có chiều dàu 480m. Bến số 2 đang xây dựng dài 280. Tiếp nhận tàu hàng lên đến 50.000 DWT |
Trên đây là bảng tổng hợp nhanh các cảng biển lớn ở Việt Nam của công ty Vận Tải Liên Quốc.
Chúng tôi sẽ có những bài miêu tả chi tiết hơn về mỗi cảng biển ở Việt Nam.
Bình Luận